Chi tiết tin

LÒ THUNG – MIỀN VĂN HÓA ĐÁ

Người đăng: Admin Du lịch Ngày đăng: 15:55 | 18/06 Lượt xem: 5142

LÒ THUNG – MIỀN VĂN HÓA ĐÁ

Trong hàng trăm địa danh gắn với Đá viết nên truyền thống của một vùng đất, thì bãi đá cổ Lò Thung trên sông Đá Giăng ôm lấy bìa làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước có thể được xem là khởi nguyên của một miền Văn hóa đá Tiên Phước.

Từ đầu nguồn của vùng núi Bắc Trà My, nước từ các khe núi, suối nhỏ đổ về hạ nguồn, hợp lưu với các suối  từ Hố Ốc, Hố Chò hình thành nên dòng sông Trạm. Sông chảy qua địa phận hai làng Bình Yên, Lộc Yên của xã Tiên Cảnh được gọi là sông Đá Giăng. Sông Đá Giăng là một nhánh hợp lưu của dòng Sông Tiên chảy ngược trước khi đổ về sông cái Thu Bồn. 

Lò thung là một bãi đá trải rộng và kéo dài hơn 2km nằm trên sông Đá Giăng thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Do đặc điểm về địa hình, địa mạo phần lớn lòng sông là đá và được kiến tạo thành nhiều kiểu thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt có đoạn đá trải dài, bờ nối bờ. Đoạn “cao trào” đá dồn dòng chảy vào một khe duy nhất đổ từ trên cao, tung bọt trắng xóa. Đây chính là thung nước mà người dân địa phương tục danh là Lò Thung. 

  Bãi đá Lò thung được kiến tạo bởi đá tự nhiên cách đây hàng trăm triệu năm, là nơi tập hợp nhiều loại đá khác nhau mà phần lớn là đá phiến biến chất. Các đá phiến biến chất cổ có tuổi địa chất từ 530 đến 158 triệu năm. Thành phần thạch học bao gồm các loại đá phiến, đá phiến thạch anh, đá biến chất...có các tổ hợp cộng sinh khoáng vật đặc trưng. Các tổ hợp khoáng vật này có chứa các Oxit mà khi gặp nước (nước mưa) có thể hòa tan và tạo nên chất kết dính có cường độ nhất định, đặc biệt nếu chèn các mạch hồ bằng đất sét giữa các tấm đá phiến thì sẽ tạo nên các mạch hồ rắn chắc hơn. Vì vậy, nhiều người dân ở đây đã khai thác, bóc tách những bãi đá phiến gần khu vực Lò Thung để chất bờ đá trong vườn nhà và tạo thành không gian đá đầy màu sắc độc đáo của làng quê Tiên Phước.

       Qua hàng ngàn năm tồn tại, dưới tác động của điều kiện tự nhiên mà chủ yếu là quá trình ngoại sinh (bào mòn, xâm thực của dòng chảy) cùng với sự biến đổi mạnh của trường vận tốc dòng chảy mà đặc biệt là lực xoáy đã tạo nên những hình thù kỳ thú trên đá khiến người xem có thể liên tưởng tới những hình ảnh thân thuộc trong cuộc sống, sinh hoạt như cái cối, cái chén, cái bát...Những tảng đá trải nối bờ này sang bờ kia, những tảng đá lớn được tạo hình như những chú rái cá, hay chú Hải cẩu mắc cạn giữa dòng thiên thạch; những chiếc cối lớn nhỏ đủ hình dạng in hình mây trời, những hang hốc lô nhô và cả dấu chân khổng lồ to tướng xen kẽ nhau giữa dòng nước róc rách hàng triệu năm…đã để lại một di sản địa mạo với nhiều hình thù kỳ bí và độc đáo trên nền đá phiến cổ, tạo nên một phong cảnh đặc trưng hiếm có của vùng trung du Tiên Phước.

Lò Thung có cảnh quan thiên nhiên hữu tình. Hai bên bờ sông còn khá nguyên sơ, những doi cát, sỏi trải dài chưa có sự tác động của con người, cây cỏ thực vật xanh tốt đặc biệt còn có những gốc cây hàng trăm năm tuổi như bồ đề, sung. Trên những doi đá phiến hai bên bờ, cây cỏ dại, dương xỉ mọc lên tạo thành một quần thể cảnh quan có giá trị thẫm mỹ, nghệ thuật như những bức thạch đồ, thạch tranh sinh động, hiền hòa, nên thơ. Lòng sông là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như Ba ba, Rùa, Tôm, Cua , Ốc, đặc biệt các loại cá đặc sản của Tiên Phước như  cá chình, cá niên…Tất cả đã tạo nên một không gian sinh thái thân thiện với môi trường tự nhiên, có tiềm năng lớn trong việc khai thác du lịch sinh thái làng quê.

Lò thung còn gắn với câu chuyện truyền thuyết về vị khổng lồ đã từng tồn tại, sinh sống qua những dấu vết khắc họa trên đá. Chuyện kể rằng nơi đây từng có một vị khổng lồ sinh sống, và vì tranh quyền sinh tồn, nên mẫu thuẫn với các loại thủy sinh tồn tại trong lòng sông trở nên hết sức gay gắt. Trong một lần gánh đá xây dựng nơi trú thân, phát hiện chú rái cá – kẻ thường xuyên phá bỉnh giấc ngủ của mình, vị khổng lồ đã tức giận đuổi bắt. Chẳng may, vì quá vội vàng, ông đã trượt chân té ngã hai tảng đá gánh hai đầu  văng xa tạo thành hai hòn núi. Chân phải ông lún sâu xuống dòng sông tạo thành Thung nước, chân trái của ông dậm vào mặt tảng đá lớn in dấu bàn chân to tướng, không phai mòn. Cùng với những hình ảnh còn khắc họa, in hình như cái chày, cái cối, cái chén, cái tô…như khẳng định và minh chứng cho sự tồn tại của ông khổng lồ và sự tích về tên gọi Lò Thung cũng ra đời từ đó.

Đường về Lò Thung không xa, cách trung tâm huyện lỵ Tiên Phước tầm 4km, con đường men theo làng quê quanh quanh uốn lượng nhưng đủ rộng để ô tô xe máy thuận tiện lưu thông. Vì vậy du khách khắp nơi về Lò Thung ngày càng nhiều. Bởi chừng như trong lặng im của đá cuội ngàn năm ẩn chứa những giá trị mà con người không thể tìm được trong cuộc sống hiện đại. Về Lò thung để đắm mình trong không gian thanh tịnh, được tắm táp trong dòng suối mát lành hay một bữa liên hoan nhẹ cùng bạn bè, một cây đàn gi ta để trải lòng với đất trời, tạm quên đi những hối hả của cuộc sống, cũng là việc nên làm.

 Danh thắng Lò Thung cũng là địa danh nằm trong bán kính du lịch của không gian văn hóa Làng cổ Lộc Yên, đang được huyện Tiên Phước lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng. Hy vọng trong tương lai gần nhất khu danh thắng Lò Thung sẽ được bảo tồn, khai thác xứng tầm với một danh thắng có một không hai ở vùng Trung du Quảng Nam,

 

Tác giả: Nguyễn Kim Thiện

Nguồn tin: Phòng VH&TT huyện Tiên Phước

[Trở về]

Bản đồ Tiên Phước

Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Đăng nhập hệ thống

THỜI TIẾT TIÊN PHƯỚC

Error An error has occurred.
Error: THỜI TIẾT TIÊN PHƯỚC is currently unavailable.

Liên kết web

Tổng số lượt truy cập

BẢN QUYỀN TRANG THÔNG TIN DU LỊCH HUYỆN TIÊN PHƯỚC - TỈNH QUẢNG NAM
Trụ sở: Huyện Tiên Phước - Tỉnh Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)