Là vùng đất “sinh sau đẻ muộn” trong tiến trình mở cõi về phương Nam của Chúa Nguyễn, làng Lộc Yên được hình thành khi các dòng họ từ Thanh - Nghệ đã thiết lập cơ cấu làng xã ở các vùng đồng bằng ven biển miền Trung và có nhu cầu mở rộng địa bàn cư trú, khai khẩn thêm đất cách tác về vùng Tây Quảng Nam. Từ nửa cuối thế kỷ 18 (thời Tây Sơn), ông Nguyễn Công Tuyết – từ làng Tận Phước (Tam Kỳ) đã đưa dân đinh về khai hoang lập làng. Lộc Yên được “khai sanh” với tên gọi ban đầu là Lộc An thôn (còn gọi là Lộc Yên) về sau đổi tên thành thôn 4 – tên gọi này được giữ cho đến ngày nay.
Lộc Yên – vùng đất địa văn hóa
Làng Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cách trung tâm huyện lỵ 5 km về hướng Bắc, có tổng diện tích tự nhiên là 275ha, có 4 tổ đoàn kết, 176 hộ, 856 khẩu.

Làng Lộc Yên tọa lạc trong một thung lũng khá đẹp, được bao bọc bởi một phức hệ sông, suối, núi như sông Đá Giăng, suối An Sơn, đồi Đá Ràn Dàn, núi Bà Bướm, núi Bàn Mây, núi Rừng Cấm, núi Hố Chò, Vườn Mồ, Dương Phối... Vùng trủng thấp là ruộng đồng, suối khe. Con đường duy nhất dẫn vào làng là trung tâm của thung lũng chia đôi làng thành hai xóm, bên trái là Gò Tròn, bên phải là Hòn Ngang. Chính thế núi, hình sông ấy tạo nên dạng tổ chức làng riêng có, mang đặc trưng văn hoá làng của vùng trung du xứ Quảng. Trong bức tranh đầy sắc màu ấy, văn hóa đá ở Lộc Yên chính là gam màu chủ đạo, hội tụ hồn cốt của một vùng đất, đậm chất nhân văn. Đá được dùng vào việc phân tầng, bậc cho các bờ vườn trên những sườn đồi, đá để xây ngỏ, lát lối đi, dùng vào việc xây nhà, xây giếng nước, xây chuồng cho gia súc và cả việc xây mộ cho người quá cố…những con ngỏ dài dặt được lát bằng đá phiến, những bờ ngỏ hàng trăm năm tuổi xây cao cũng được xếp khéo léo bằng đá. Qua thời gian, rêu cỏ phủ lên tạo một bờ thực vật xanh mướt, cùng với quá trình phong hóa đã tạo nên những bức thạch, đồ thạch tranh thú vị. Khai hóa đất có lẫn đá để tăng thêm diện tích canh tác, và tận dụng đá để phục vụ, tạo không gian sinh hoạt quả là “nhất cử lưỡng tiện”. Phải nói rằng, người dân Lộc Yên luôn luôn tự hào các ngỏ đá được xếp đặt khéo léo và dần nâng tầm thành giá trị thẩm mỹ. Nét đẹp về đá được hình thành bao đời ấy còn được bày biện rõ nét trên con sông Đá Giăng bao lấy bìa làng Lộc Yên, đá đủ sắc màu, đủ dạng. Từ những ngôi mộ đá, các giếng đá soi bóng những hàng cau hay cả cối đá là một bản sắc, bản sắc đó cần được lưu giữ cẩn trọng. Bởi vì, đá Lộc Yên là của thiên nhiên được con người lưu giữ và tôn tạo. Chẳng thế mà người xưa có câu: "Có duyên lấy đặng chồng Nguồn/ Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui".
Từ những bước chân đầu tiên đến làng Lộc Yên ta đã có thể chiêm ngưỡng sự khéo léo trong bố trí không gian sống của người dân, cùng những lợi thế địa văn hóa đã tạo cho bức tranh tổng thể của Làng Lộc Yên đầy ấn tượng, màu sắc riêng biệt.
Di sản trong lòng dân
Lộc Yên hiện còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 150 năm trở lên, nhà được thiết kế theo kiểu thức nhà ở cổ truyền ở Quảng Nam (loại nhà ba gian hái chái). Nhà được dựng nên từ nguyên liệu chính là gỗ mít vườn, một loại cây ăn quả đặc sản Tiên Phước nên hẳn nhiên chứa đựng trong đó hồn cốt của làng quê. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân phường mộc Vân Hà đã thổi hồn vào từng thớ gỗ, biến những cấu kiện thô cứng ấy trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, tinh anh. Những hình ảnh rất đỗi thân thuộc trong cuộc sống đời thường như chim Trĩ, hoa Mai, Tùng Lộc, Nho, Sóc, cuốn thư cách điệu…như muốn cựa mình trên gỗ. Trải qua hàng trăm năm những cấu kiện gỗ bên trong các ngôi nhà vẫn nguyên vẹn và ngày càng sáng bóng như muốn thách thức nhịp trôi hối hả của thời gian.
Có thể nói người dân Lộc Yên gìn giữ những ngôi nhà cổ như gìn giữ một cái gì đó rất thiêng liêng chứ hoàn toàn không chỉ giá trị vật thể, họ không dễ dàng đem những di sản của cha ông để mặc cả thiệt hơn. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh (chủ nhân một ngôi nhà cổ tại Làng Lộc Yên - Tiên Cảnh) đã hai lần từ chối lời đề nghị mua nhà của Tổng thống chế độ cũ với giá cao “ngất ngưỡng” - hành xử đó của cụ là gì nếu không nói là vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của con người. Và nếu không chi phối bởi văn hóa ấy, tính cách ấy, thì làm sao chỉ trong không gian hành chính của một làng, người dân Lộc Yên còn lưu giữ khá nguyên vẹn tám ngôi nhà cổ đẹp và tinh xảo, cùng với nó là những vật dụng đẹp mắt và bí ẩn mà chiếc bàn xoay chúng ta đã từng biết đến là một điển hình.
Lộc Yên cũng là nơi có những loại cây trái đặc sản, mùa nào thức ấy. Mô hình vườn tại làng tập trung theo kiểu không gian 3 tầng: tầng trên là các cây lâu năm như Lòn bon, Quế, Mít, Dó, Cau…tầng giữa có các loại như chuối, tiêu, thanh trà, măng cụt… và tầng dưới là thơm, chè…Với cách thức bố trí không gian như thế, vườn ở Lộc Yên thật sự là một điểm nhấn ấn tượng cho những ai muốn thăm thú, khám phá. Cùng với những phong tục, tập quán, văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, lối sống thuần Việt; phong cách ứng xử ấm áp, đôn hậu, chu đáo, tận tình của người dân địa phương đã tạo nên bức tranh toàn cảnh vừa tỉnh vừa động, mang bản sắc của vùng trung du Tiên Phước.
Giáo sư, Kiến trức sư Hoàng Đạo Kính, lần đầu tiên đến làng cổ Lộc Yên đã nhận xét: Nếu người ta đến với địa phương này, đến với làng này, người ta nhận biết được ngay ở vùng xa xôi mà lại tồn tại những kiểu nhà được xây dựng cách đây hàng trăm năm ở dạng hoàn mỹ như thế, ở dạng chín muồi như thế về cả phương diện cấu tạo đến trang trí đến độ chín muồi của kiến trúc thật là đáng ngạc nhiên. Nếu chúng ta giữ được Lộc Yên thì chúng ta sẽ có một điểm thu hút cả du lịch cả tham quan để mà đến với một vùng đất bán sơn địa, để thấy rằng là cái nền văn minh nền văn hoá Việt toả sáng rất xa.

Biến di sản thành tài sản
Nghị quyết huyện Đảng bộ lần thứ XVI của huyện Tiên Phước nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra những nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, trong đó kinh tế du lịch được xác định là hướng đi mới, có tính đột phá trên cơ sở những tiềm năng lợi thế của một huyện trung du. Trong những năm qua, cùng với việc tuyên truyền vận động người dân, chủ nhân các ngôi nhà cổ tham gia bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa nhà vườn, huyện đã thực hiện thành công đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa nhà cổ Lộc Yên, Quảng Nam”. Đề tài đã thiết lập một hành trình quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch sinh thái làng Lộc Yên; hoàn thiện hồ sơ khoa học về Làng cổ Lộc Yên trình Cục Di sản văn hóa và đã được Bộ VH-TT-DL thống nhất đề nghị xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với làng cổ Lộc Yên; xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng giai đoạn 2011- 2020. Theo lộ trình của đề án, 26 di tích lịch sử - văn hóa và 5 danh thắng trên địa bàn huyện sẽ từng bước được trùng tu, tôn tạo và quy hoạch bảo vệ, trong đó chú trọng các di tích cổ tại làng Lộc Yên (năm 2013, nhà Nguyễn Huỳnh Anh - ngôi nhà cổ đầu tiên đã được trùng tu sửa chữa với kinh phí gần 800 triệu đồng); xây dựng các đề án phát triển du lịch tại các xã Tiên Cảnh, Tiên Châu với lộ trình chi tiết, cụ thể; huyện cũng đã lập qui hoạch phát triển du lịch huyện Tiên Phước giai đoạn 2012 – 2020 tầm nhìn đến 2030. Báo cáo qui hoạch cũng đã xác định những vùng, những điểm có tiềm năng thuận lợi tiến hành lập các dự án, kế hoạch chi tiết phát triển du lịch. Trong đó hệ thống các di tích, danh thắng tại Tiên Cảnh, như di tích Quốc gia Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc kháng, Làng cổ Lộc Yên, Lò Thung, Thác Đèo Liêu, thác Đá Vách và nhiều nhà - vườn sinh thái đẹp, phong cảnh hữu tình với những đặc điểm nổi trội được xác định điểm đến chính trong tuyến du lịch Nam Quảng Nam.
Cùng với những động thái tích cực trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, huyện cũng đề ra hàng loạt các cơ chế, chính sách hổ trợ người dân cải tạo phát triển kinh tế vườn, đặc biệt với các hộ dân ở vùng trọng điểm phát triển du lịch như Lộc Yên. Những bờ đá được xây mới, ngỏ nhà được tái tạo đá làm lối đi, xây ao cá, trồng cây xanh, tạo cổng ngỏ, chỉnh trang nhà vườn theo hướng phục cổ nhưng vẫn đảm bảo xanh - sạch - đẹp…tất cả đều có cơ chế hổ trợ đặc biệt, khuyến khích động viên và chung tay cùng người dân Lộc Yên bảo tồn, gìn giữ và phát huy không gian văn hóa của một làng cổ. Đến nay, huyện đã thi công tuyến Tiên Kỳ - Tiên Cảnh, tạo hành làng giao thông phía Đông- Nam của huyện kết nối Lộc Yên - Lò Thung - Tiên Kỳ; đầu tư cải tạo, mở rộng mặt đường và làm bê tông tuyến đường đi vào làng cổ Lộc Yên, tuyến đường hoàn thiện sẽ được tạo lề bằng đá núi kết hợp trồng chè tàu, cau hai bên lối đi. Cải tạo kênh mương nội đồng và tái tạo con đường nội bộ men theo bờ kênh khớp nối các ngôi nhà cổ bên xóm Hòn Ngang, con đường uốn lượn được lát bằng đá núi tạo một không gian đẹp cho du khách, đồng thời xây dựng phương án trồng cây xanh tại khu vực Lò Thung nhằm tái tạo cảnh quan thiên nhiên ở khu vực này.
Định hướng phát triển những năm đến, Quảng Nam xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, với cơ cấu ngành kinh tế là du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong định hướng chung đó, phát huy lợi thế của không gian văn hóa làng quê, Tiên Phước tập trung đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái theo kiểu homestay kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa. Đây là loại hình du lịch đã và đang chiếm ưu thế vì độ hấp dẫn của nó đối với các du khách nước ngoài. Đồng thời cũng là cơ hội để Tiên Phước biến những tài sản văn hóa quý báu này thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, xem đó là động lực, là lợi thế để thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương.